Dự phòng và điều trị bệnh hen ở trẻ em
Thứ hai, 9 Tháng 5, 2022 - 10:21

Hen suyễn là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở trẻ em. Theo nghiên cứu, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cao gấp đôi người lớn. Riêng ở trẻ dưới 2 tuổi, tỷ lệ này lại càng cao. Do đó, cần phát hiện và chẩn đoán hen sớm ở trẻ nhỏ để tránh dẫn đến hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

Hưởng ứng Ngày hen toàn cầu năm 2022 với chủ đề: “Khép lại khoảng cách trong chăm sóc bệnh nhân hen”, TS. Lê Thị Thu Hương - Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ tư vấn chuyên môn nhằm cung cấp những kiến thức bổ ích trong phòng ngừa và điều trị bệnh hen ở trẻ em.

Hen phế quản là bệnh khá phổ biến ở trẻ em

Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính của đường thở, rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Nếu trẻ bị hen suyễn tiếp xúc với các chất kích thích đường thở - chủ yếu là phế quản sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn, khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.

Có nhiều căn nguyên dẫn đến bệnh hen, trong đó 2 nguyên nhân dễ làm nổi phát cơn hen cấp ở trẻ là: yếu tố dị nguyên và nhiễm virus.

- Yếu tố dị nguyên

Với hen suyễn thì dị nguyên như phấn hoa, khói bếp, khói thuốc, bụi, lông chó mèo, thời tiết thay đổi thất thường hay tái phát bệnh hen ở người bệnh hen mạn tính…cũng là nguồn cơn gây kích ứng cơn hen.

- Yếu tố nhiễm virus

Nhiễm virus hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi bởi lúc đó hệ miễn dịch của các bé chưa trưởng thành. Đó là lý do tại sao tỷ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em cao hơn người lớn. Nguyên nhân kích thích hen ngoài yếu tố dị ứng như người lớn thì ở trẻ em còn có yếu tố nhiễm virus. Bên cạnh đó, đường thở của trẻ đang hình thành, kích thước đường thở của trẻ cũng nhỏ hơn so với người lớn. Chỉ cần một viêm nhẹ cũng dẫn đến tình trạng co thắt, đường thở nhỏ lại, dễ gây ra tiếng rít, tiếng khò khè đúng như triệu chứng của hen phế quản nên các mẹ dễ nhận biết hơn.

Mạt nhà - nguyên nhân phổ biến gây khởi phát cơn hen ở trẻ

Một trong những tác nhân gây ra yếu tố kích thích hen kể cả ở trẻ em cũng như người lớn. Các nghiên cứu cho thấy rằng 80% bệnh nhân hen phế quản có liên quan đến dị ứng mạt nhà. Mạt nhà rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường được, lại ở ngay các khe, kẽ, chăn ga gối đệm, giường chiếu… hiện hữu ngay môi trường xung quanh cuộc sống của trẻ.

Bên cạnh đó còn có những yếu tố như lông chó, lông mèo, phấn hoa… Đây là những nhân dị ứng liên quan đến dị nguyên hô hấp hay gặp ở bệnh nhân hen phế quản.

Dấu hiệu nhận biết hen suyễn

Thực tế, triệu chứng của hen phế quản tương tự như triệu chứng của viêm phế quản nên có thể khó phân biệt. Tuy nhiên, hen phế quản thường hay gặp ở những gia đình có tiền sử mắc các bệnh dị ứng. Ví dụ như trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị các bệnh dị ứng như là viêm kết mạc dị ứng hoặc là viêm mũi dị ứng hoặc là viêm da cơ địa, mày đay, hen phế quản…

Đặc điểm của ho hen phế quản là ho tăng sau khi vận động, hay ho về đêm và gần sáng, đặc biệt có liên quan đến các yếu tố dị nguyên…

Điều trị hen suyễn ở trẻ

Rất nhiều ba mẹ lo sợ tác dụng phụ của thuốc nên đã từ chối điều trị cho con, thậm chí là điều trị không đến nơi đến chốn, điều này rất nguy hiểm.

Khi trẻ được chỉ định sử dụng corticoid dạng xịt, dùng tại chỗ, hàng ngày với liều nhỏ sẽ giúp kiểm soát để không lên cơn hen, bảo tồn và duy trì chức năng của lá phổi. Nếu như ba mẹ vì lí do sợ tác dụng phụ của thuốc mà không điều trị thì con sẽ hay bị lên cơn hen cấp, không kiểm soát được hen về mặt triệu chứng. Mỗi lần điều trị những đợt cấp như vậy thì lượng corticoid vào người con rất nhiều, đặc biệt là trường hợp nặng phải sử dụng corticoid toàn thân cả đường uống và đường tiêm. Điều này khiến cho tác dụng phụ của corticoid ảnh hưởng đến trẻ hơn rất nhiều so với việc trẻ dùng hàng ngày dự phòng cơn hen.

Vì vậy, nếu như không điều trị dự phòng thì chức năng phục hồi của các bé sẽ suy yếu dần, dẫn đến lúc lớn rất nhiều bạn không có khả năng phục hồi chức năng phổi. Điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển của con ở cả giai đoạn trưởng thành.

Mỗi một em bé có mức độ bệnh hen nặng, nhẹ khác nhau. Do đó, các bác sĩ sẽ lựa chọn liều thuốc khác nhau cho con. Nên việc áp dụng đơn thuốc của bạn này cho bạn kia là một sai lầm rất lớn.

Phụ huynh cần làm gì để xử trí kịp thời cơn hen cấp ở trẻ?

Trong quá trình chăm sóc bé, phụ huynh cần lưu ý phát hiện các dấu hiệu tiền triệu để xử trí kịp thời cơn hen cấp của trẻ.

Với mỗi một em bé thì dấu hiệu tiền triệu cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn, có những em bé trước khi lên cơn hen sẽ bị chảy mũi, ho từng tràng, khó chịu ở ngực, tức ngực…. Ngay từ khi đó, cha mẹ đã phải tiến hành xịt thuốc sớm cho con để ngăn ngừa sự tiến triển của cơn hen cấp. Cha mẹ cần có kế hoạch hành động hen để khi có các yếu tố tiền triệu thì ta xử trí ngay, chấm dứt cơn hen cho trẻ.

Hen là bệnh mạn tính, do cơ địa, thường không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể chung sống an toàn với bệnh. Các bậc cha mẹ cần điều trị, kiểm soát hen để trẻ không lên cơn hen, bảo tồn được lá phổi của các con. Nếu cha mẹ tuân thủ và điều trị tốt cho con thì phần lớn các em bé đều được kiểm soát hen tốt.

Lộ trình điều trị hen sẽ phải kéo dài thông thường từ 6 - 9 tháng, 1 - 2 năm phụ thuộc vào từng thể trạng của trẻ. Theo một số nghiên cứu, khoảng 70% em bé đến tuổi trưởng thành, dậy thì hoặc đến tuổi đi học thì các con gần như ổn định. Do vậy, nếu trẻ tuân thủ điều trị tốt thì sẽ giảm dần thuốc và cắt thuốc hoàn toàn để có chất lượng cuộc sống như các trẻ bình thường.